Hiện nay sốt xuất huyết (SXH) đã bắt đầu vào mùa, trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc bệnh. Bệnh
sốt xuất huyết ở trẻ em là căn bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm nếu ba mẹ không có biện pháp xử trí kịp thời bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho bé như xuất huyết tiêu hóa, nội tạng; suy gan; suy thận; viêm cơ tim; suy tim… Vậy làm thế nào để ba mẹ bảo vệ trẻ trước sự tấn công của dịch bệnh?
Nguyên nhân gây sốt xuất huyết ở trẻ em?
Sốt xuất huyết ở trẻ em thường xảy ra chủ yếu do trẻ vui chơi, nô đùa tại các khu vực mà muỗi thường hoạt động như các khu vực bóng tối, bụi cây, nơi ẩm ướt,… Đây thường là “địa bàn hoạt động” của các loài muỗi gây bệnh, nên trẻ rất dễ bị chúng tấn công.
Mặt khác trẻ nhỏ rất hiếu động nên thường hoạt động liên tục khiến thân nhiệt cao, lượng mồ hôi tiết ra cũng nhiều hơn, điều này khiến muỗi dễ dàng phát hiện và đốt trẻ. Trẻ nhỏ chưa có ý thức phòng chống muỗi đốt nên rất dễ bị muỗi tấn công. Đáng chú ý là sức đề kháng của trẻ cũng yếu hơn so với người lớn nên lại càng dễ bị muỗi tấn công.
Thời điểm mùa hè cũng là lúc trẻ được nghỉ ngơi nhiều hơn nên có dịp tham gia vào các hoạt động ngoài trời như dã ngoại, du lịch,… Điều này sẽ giúp trẻ phát triển kĩ năng hơn song lại tiềm ẩn nguy cơ bị muỗi đặc biệt là các nguồn muỗi mang bệnh.
Thời tiết thay đổi, nắng nóng chuyển mưa nhiều, khí hậu ẩm ướt, độ ẩm cao muỗi sinh sản và phát triển nhanh hơn. Bé nằm ngủ không được mắc màn hay vệ sinh nhà ở, môi trường sống không sạch sẽ là nguy cơ để muỗi sinh sản và trú ngụ gây bệnh cho trẻ.
Một nguyên nhân khác nữa là trẻ bị lây nhiễm từ bạn bè, người lớn mang bệnh, muỗi sẽ truyền từ người bệnh này sang cho trẻ. Đây cũng là nguyên nhân chính gây bùng phát dịch sốt xuất huyết.
Biểu hiện bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Sốt xuất huyết ở trẻ em, sau khi bị muỗi đốt từ 7-10 ngày, trẻ bắt đầu có biểu hiện bệnh như sau:
- Cảm giác mệt mỏi, đau nhức toàn thân
- Sốt cao 39-40 độ C, kèm theo các biểu hiện đau đầu vùng trán hoặc sau hố mắt, chán ăn, nôn, buồn nôn và đầy bụng, đau bụng vùng thượng vị và vùng hạ sườn phải. Trẻ sốt liên tục, kéo dài khoảng 2-7 ngày, một số bé có biểu hiện sốt 2 pha (sốt 1-2 ngày đầu rồi hết sốt trong ngày 3-4, sau đó sốt trở lại).
- Sau khi sốt 2-3 ngày, trên da hoặc toàn thân trẻ có biểu hiện sung huyết và phát ban dát đỏ, hoặc có ban xuất huyết dưới dạng chấm, nốt, chảy máu cam. Nặng hơn trẻ có thể xuất hiện các mảng bầm tím trên da hoặc xuất huyết tiêu hóa với biểu hiện nôn và đi ngoài ra máu.
- Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của sốt, trẻ có thể có diễn biến bệnh nặng hơn do biến chứng của bệnh, với các biểu hiện ban đầu là bứt rứt, khó chịu, nhiệt độ giảm đột ngột; đau bụng từng cơn có xu hướng tăng; nôn nhiều hơn; lượng nước tiểu giảm, trẻ trở nên mệt mỏi, lừ đừ.
Biến chứng của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Sốt xuất huyết có thể gây nên các biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong cao. Một số biến chứng nguy hiểm mà trẻ bị sốt xuất huyết có thể gặp phải đó là:
– Thoát huyết tương nặng, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết nội tạng
– Chảy máu cam nặng
-.Rối loạn tri giác (sốt xuất huyết thể não)
– Suy gan, thận, viêm cơ tim, suy tim
Sốt xuất huyết rất nguy hiểm, bệnh có diễn biến rất nhanh và có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Vì vậy ba mẹ cần nắm rõ các nguyên tắc điều trị bệnh sốt xuất huyết.
Nguyên tắc trị bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Khi trẻ có các biểu hiện nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế uy tín để bác sĩ thăm khám sức khỏe và làm xét nghiệm cần thiết xác định chính xác tình trạng bệnh xem có phải trẻ bị sốt xuất huyết hay không để có biện pháp điều trị đúng nhất.
– Nếu thấy trẻ bị sốt cao từ 38,5 độ trở lên cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo liều chỉ định, lau mát bằng nước ấm.
– Mẹ nên cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, súp, sữa; cho trẻ uổng nhiều nước hơn bình thường để giải nhiệt cơ thể đồng thời bổ sung Vitamin C tự nhiên để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
– Nếu tay chân trẻ lạnh, ngủ li bì, bỏ ăn uống, chảy máu cam, nôn nhiều thì cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay.
– Đặc biệt “không” được cho trẻ uống Aspirin (vì sẽ gây thêm xuất huyết), không cạo gió vì sẽ làm đau và có thể gây chảy máu cho trẻ.
– Tuyệt đối không truyền nước hay truyền dịch tùy tiện nếu chưa thăm khám với bác sĩ
Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, nếu ba mẹ nhận biết sớm và đưa trẻ đi thăm khám, thì sau sốt khoảng 5-7 ngày trẻ sẽ được phục hồi nhanh chóng. Các biểu hiện như nhiệt độ giảm dần, có biểu hiện ra mồ hôi, tình trạng khá lên, trẻ tỉnh táo hơn, bắt đầu ăn ngon miệng và sinh hoạt bình thường.