“Tháp Mười đẹp nhất bông sen,
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.”
Bác Hồ chẳng những là người có công lao vĩ đại với sự nghiệp kháng chiến, giành độc lập dân tộc mà còn là người mang tình yêu thương vô bờ bến đến con người. Bên cạnh những lo toan cho đất nước ngày đầu độc lập, Bác vẫn luôn dành thời gian quan tâm đến người dân, từ cụ già, thiếu niên đến trẻ em. Từ miếng ăn đến cái mặc, Bác chẳng bỏ sót một ai.
Thuở sinh thời, Bác Hồ luôn nhắc nhở chúng ta thiếu nhi là những búp măng tương lai của đất nước, chính vì vậy việc yêu thương, chăm sóc thiếu nhi là vô cùng quan trọng. Những câu chuyện ý nghĩa về Bác Hồ với thiếu nhi chính là minh chứng cho tình yêu vô bờ bến của Người dành cho trẻ em.
Những câu chuyện ý nghĩa về Bác Hồ với thiếu nhi Việt Nam
Câu chuyện thứ 1: Bác Hồ thăm vườn hoa nghìn việc tốt
Tình yêu của Bác Hồ với thiếu nhi luôn bao la dạt dào
Sáng mồng một Tết Đinh Mùi (9-2-1967), Bác Hồ về Tam Sơn gặp mặt đại biểu các dân tộc tỉnh Hà Bắc họp ở chùa Cảm Ứng.
Xe Bác vừa tiến vào đến nơi, Nguyễn Thế Hải học sinh lớp một đang nô đùa cùng bạn, bỗng reo lên:
- Bác Hồ! Bác Hồ!
- Bác Hồ về thăm quê hương nghìn việc tốt.
Cả nhóm thiếu nhi dừng chơi, xúm lại quây quanh xe Bác.
Đồng chí cần vụ từ trong xe bước ra nhắc nhở các em rồi mở cửa, mời Bác xuống.
Bác tươi cười nhìn các em rồi hỏi:
- Các cháu đang chơi Tết?
- Thưa Bác, vâng ạ!
- Thưa Bác, năm mới, chúng cháu kính chúc Bác mạnh khoẻ, sống lâu!…
Các em đua nhau nói những điều từ lâu mong được thưa với Bác, nhưng hồi hộp quá, nói không được nhiều…
Bác Hồ rất vui. Nghe các em nói xong, Bác bảo:
- Các cháu làm nghìn việc tốt, có nhớ và làm theo những điều Bác dặn không?
- Thưa Bác có ạ! – Nguyễn Thế Hải đứng nghiêm đọc liên hồi 5 điều Bác Hồ dạy như đọc đồng thanh ở lớp.
Tất cả đều cười nhưng ai cũng vui vì Hải đã trả lời đúng.
Khi Bác cùng các đồng chí lãnh đạo bước lên chùa. Đội thiếu nhi danh dự đã dâng hoa tặng Bác, Bác nhận bó hoa từ tay Liên đội trưởng Nguyễn Toàn Thắng rồi trao cho đồng chí cần vụ.
Bác hỏi Thắng:
- Cháu học có giỏi không? Có được phần thưởng của Bác không?
- Thưa Bác có ạ. Cháu được nhận phần thưởng của Bác hai lần: Một lần một cuốn sổ, một lần hai quả cam.
Cháu đã được phần thưởng của Bác, cháu phải giúp đỡ các bạn học thật giỏi, lao động thật giỏi… để nhiều người cùng được phần thưởng của Bác, thế mới tốt.
- Thưa Bác vâng ạ!
Câu chuyện thứ 2: Đến thăm trường thiếu nhi miền Nam
Cứ mỗi dịp khai trường, Bác lại dành thời gian chúc mừng các cháu.
Nghe tin Bác đến thăm trường thiếu nhi miền Nam, các cô chú phụ trách trường tíu tít chuẩn bị, trang hoàng hội trường đón Bác.
Khi Bác đến, tất cả mọi người ùa ra đón Bác và đưa Bác đến hội trường đã được chuẩn bị cờ, hoa lộng lẫy.
Nhưng Bác đề nghị, dẫn Bác đến nhà bếp và phòng ngủ xem các cháu có được ăn no, ngủ ấm và chăm sóc chu đáo không. Sau đó, Bác lấy ra một gói kẹo lớn chia đều cho các cháu. Đang nhìn các cháu ăn kẹo, Bác chợt nhận ra có 1 cháu đang đứng ở góc phòng, nét mặt buồn xo. Bác gọi lại hỏi:
- Cháu tên là gì? Vì sao lại đứng ở đây?
- Cháu tên là Tộ. Vì cháu phạm lỗi, tay bẩn không rửa nên các cô chú phạt, không cho nhận kẹo của Bác.
Bác cười bảo bạn Tộ đi rửa tay rồi chia kẹo cho Tộ, sau đó Bác dạy:
- Từ nay, cháu phải luôn giữ gìn đôi tay cho sạch nhé. Bàn tay con người rất đáng quý.
Bạn Tộ rất cảm động trước sự chăm sóc ân cần của Bác. Từ đấy, bạn luôn giữ đôi tay sạch sẽ và rửa tay sạch trước khi ăn.
Câu chuyện thứ 3: Bể cá vàng dành cho các cháu
Căn nhà sàn giản dị của Bác trong Phủ Chủ tịch.
Trước khi thiết kế ngôi nhà sàn gỗ của Bác tại Phủ Chủ tịch (tầng trên có hai phòng, một phòng Bác dùng vào việc, một phòng nghỉ. Còn tầng dưới là nơi Bác họp và tiếp khách), Bác có ý kiến:
- Khách của Bác có nhiều, có lúc Bác phải tiếp đông các cháu, vì vậy chú thiết kế cho Bác một hàng ghế xi măng bao quanh.
Vâng lời Bác, các đồng chí đã thiết kế hàng ghế đó. Mỗi lần các cháu đến, các cháu đều quây quần bên Bác và được Bác chia bánh kẹo.
Một hôm Bác nói với đồng chí giúp việc:
- Chú xem, khách “tí hon” của Bác khá nhiều, để các cháu vui thì phải có cảnh cho các cháu xem, chú gắng kiếm một chiếc bể về để nuôi cá vàng làm cảnh cho các cháu.
Vâng lời Bác, đồng chí giúp việc đi tìm mua một bể nuôi cá đặt tại hành lang của tầng dưới ngôi nhà sàn và thả ba con cá vàng rất đẹp.
Hàng ngày, sau giờ làm việc, Bác thường cho cá vàng ăn. Người để dành những mẩu bánh mì làm thức ăn cho cá. Được Bác chăm sóc, ba con cá vàng ngày một lớn và phát triển.
Mùa đông trời lạnh, Bác nói:
- Cá cũng như người, mùa đông phải giữ nhiệt độ đủ ấm. Chú nên làm một chiếc nắp đậy bể cá để bảo đảm độ ấm cho cá.
Khách đến thăm nhà Bác, nhất là “khách tí hon” rất thích thú đứng ngắm bể cá vàng. Những con cá màu sắc thật sặc sỡ, tung tăng, lấp lánh, bơi lặn trong bể nước.